1. Một số mạng xã hội phổ biến ở Việt Nam

 Sau hơn 20 năm xuất hiện (1997-2018), internet đã tạo nên nhiều thay đổi lớn trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Mạng máy tính ngày càng được mở rộng, để từ đây, các hình thức giải trí trên mạng trở nên phong phú và hiện đại hơn bao giờ hết. Theo đánh giá của Hãng nghiên cứu thị trường ComScore (Mỹ), Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có dân số trực tuyến lớn nhất tại khu vực ASEAN. Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho biết số lượng người sử dụng internet mỗi năm trong nước đều tăng nhanh. Đây được đánh giá là điều kiện lý tưởng để cho các mạng xã hội xuất hiện và nhanh chóng phổ biến tại Việt Nam. Cùng với sự phát triển của internet, mạng xã hội được xem như một trong những ứng dụng của internet có ảnh hưởng lớn nhất, đặc biệt là đối với giới trẻ ở cả khu vực đô thị lẫn nông thôn hiện nay.

Theo số liệu của ComScore – một trong những công ty dẫn đầu thế giới về đo lường và đánh giá hiệu quả các giải pháp marketing trực tuyến đã từng công bố báo cáo về thị trường trực tuyến tại Việt Nam và châu Á, trong hơn 30 triệu người sử dụng internet tại Việt Nam, có khoảng 87,5% đã và đang sử dụng các mạng xã hội, đa số là những người trẻ tuổi, nằm trong độ tuổi 15-34 (khoảng 71%) (1). Hiện nay, giới trẻ Việt Nam đang sử dụng các mạng xã hội có độ phủ sóng toàn cầu như Facebook, Instagram, Youtube, Twitter, Myspace… và một số mạng nội địa như Zingme, Go.vn, Yume.vn… với nhiều tiện ích đáp ứng được các nhu cầu hết sức đa dạng: kết nối – giao tiếp, tìm kiếm thông tin, học tập, giải trí, kinh doanh… của thanh, thiếu niên. Trong danh sách các mạng xã hội kể trên có lẽ nổi bật nhất vẫn là Facebook. Có thể nói, kể từ sau khi Yahoo cho ngừng sử dụng dịch vụ Blog 360, Facebook được đánh giá dường như đã thống lĩnh thị trường mạng xã hội ở Việt Nam. Và hiện nay, theo số liệu thống kê mới nhất của Facebook, Việt Nam là nước có số lượng người sử dụng dịch vụ mạng xã hội này tăng nhanh nhất trên thế giới với khoảng 35 triệu người dùng, đồng nghĩa với việc hơn 1/3 dân số của nước ta đang sở hữu một tài khoản Facebook (2), trong đó đông đảo nhất có lẽ là bộ phận thanh, thiếu niên.

Trong cuộc điều tra khảo sát mới nhất (năm 2017) trên 600 bạn trẻ (11-30 tuổi) tại Hà Nội và tỉnh Lào Cai với các mẫu khảo sát thuộc cả khu vực thành thị và nông thôn đã cho thấy sự tiếp tục thống trị của Facebook (87,3%) cũng như vị trí của các mạng xã hội khác đang hoạt động ở Việt Nam.



Thực tế, Facebook đã trở nên phổ biến khi đồng hành cùng giới trẻ Việt mọi lúc mọi nơi, kể cả khi họ sinh hoạt ăn uống, ngủ nghỉ, học tập, làm việc, giải trí… Nó dường như trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày giúp mọi người kết nối, theo dõi thông tin và chia sẻ mọi thứ theo cách đơn giản nhất. Bên cạnh đó, những tính năng tỏ ra khá gần gũi với văn hóa Việt Nam cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp Facebook chinh phục được giới trẻ và phát triển ngày càng mạnh mẽ.

Mặc dù Facebook đang rất phổ biến trong giới trẻ song do nhu cầu và mục đích sử dụng hết sức đa dạng của người dùng nên hầu hết mỗi người đều đang dùng ít nhất hai mạng xã hội song song. Theo kết quả khảo sát, Youtube với tính năng hỗ trợ xem và chia sẻ video hiện là trang mạng có lượng người dùng lớn thứ hai ở Việt Nam sau Facebook (56,3%); đứng thứ ba là Instagram (24,5%) chuyên xem và chia sẻ ảnh; Zingme (16,8%) hỗ trợ chơi game, nghe nhạc trực tuyến; các mạng Viber, Zalo chiếm tỷ lệ 10% và sau cùng là các mạng xã hội chiếm tỷ lệ thấp về người dùng như Twitter, Myspace, Gov.vn.

Ngoài ra, kết quả khảo sát về thời gian sử dụng mạng xã hội tại thời điểm năm 2017 của thanh, thiếu niên được cũng phần nào cho thấy sự phổ biến của các trang mạng xã hội trong đời sống sinh hoạt, học tập và làm việc của giới trẻ: phần lớn thanh, thiếu niên đã sử dụng mạng xã hội trên 4 năm (43,8%), chiếm tỷ lệ cao thứ hai là từ 2-4 năm (34,2%), từ 1-2 năm (17,5%) và dưới 1 năm chiếm tỷ lệ thấp nhất (4,5%).

2. Mục đích sử dụng mạng xã hội

Kết quả điều tra cho thấy, trong nhiều mục đích khác nhau khi sử dụng mạng xã hội của thanh, thiếu niên, top 5 mục đích chiếm tỷ lệ cao nhất đó là: tìm kiếm, cập nhật thông tin xã hội (66,3%); làm quen với bạn mới, giữ liên lạc với bạn cũ (60%); liên lạc với gia đình, bạn bè (59%). Thực tế, những nhu cầu này ở thanh, thiếu niên có chỉ số cao là điều dễ hiểu bởi họ đang trong độ tuổi năng động, nhạy bén, sáng tạo, luôn hướng tới cái mới, cái khác biệt và đặc biệt. Bên cạnh đó, một bộ phận lớn các bạn trẻ đang sống xa gia đình (đi học, đi làm) nên việc kết nối, thiết lập và duy trì các mối quan hệ (trực tuyến) với người thân, bạn bè sẽ trở thành nhu cầu thiết yếu của mỗi cá nhân. Hai mục đích chiếm tỷ lệ cao đứng ở vị trí tiếp theo chủ yếu nhằm phục vụ cho nhu cầu giải trí – một trong những nhu cầu được các chuyên gia tâm lý nhận định là có chỉ số cao trong giai đoạn phát triển tâm lý ở lứa tuổi này: muốn tận hưởng những thú vui cuộc sống và khẳng định cái tôi bản thân, đó là chia sẻ thông tin (hình ảnh, video, status) với mọi người (54,0%) và để giải trí (49,5%). Bên cạnh đó, đại bộ phận thanh, thiếu niên đang ở độ tuổi đến trường và đi làm nên tỷ lệ sử dụng mạng xã hội như một công cụ hỗ trợ phục vụ cho hoạt động học tập và làm việc của họ cũng tương đối cao, chiếm (44,7%). Ngoài ra, một bộ phận còn sử dụng mạng xã hội với nhiều mục đích khác như: mua sắm online (30,7%) cho thấy một hình thức mua sắm mới xuất hiện trong đời sống của giới trẻ và đang được sử dụng ngày càng phổ biến bởi sự tiện lợi về không gian (có thể mua bán trên phạm vi toàn cầu) và thời gian (dịch vụ 24/24); tìm kiếm việc làm (21,7%), hay bán hàng online (13,7%) có khả năng đem lại nhiều lợi ích: tiết kiệm thời gian, tiền bạc…

Có thể nói, với nhiều ứng dụng tiện ích khác nhau, các trang mạng xã hội đã đáp ứng được gần như đầy đủ các mục đích, nhu cầu của thanh, thiếu niên – bộ phận được xem là năng động nhất trong xã hội. Bên cạnh đó, việc đăng ký tham gia vào một mạng xã hội nào đó khá đơn giản và dễ dàng cho hầu hết các đối tượng người dùng như: miễn phí thành viên, có thể truy cập bất cứ khi nào và ở đâu chỉ cần có kết nối internet… đã khiến cho mạng xã hội ngày càng thu hút thanh, thiếu niên không chỉ ở các thành phố, đô thị mà ở cả những vùng nông thôn, miền núi.

3. Đối tượng kết nối

Kết quả khảo sát năm 2017 đã cho thấy tính đa dạng và rộng mở về đối tượng kết nối của thanh, thiếu niên trên mạng xã hội hiện nay. Trong mạng lưới mạng xã hội ấy, giới trẻ không chỉ có các mối quan hệ với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, người quen mà đặc biệt họ còn thiết lập mạng lưới kết nối với những người xa lạ không hề quen biết ngoài đời thực song có cùng sở thích, cùng mối quan tâm, đồng cảm hay chia sẻ với nhau về bất cứ vấn đề gì đó của cuộc sống và xã hội. Có thể nói, đối tượng kết nối rất đa dạng của giới trẻ hiện nay đã tạo nên sự đan xen dày đặc và độ rộng không giới hạn của các mạng lưới trong một không gian ảo mà ở đó không hề bị giới hạn bởi bất cứ một biên giới nào. Chính bởi đối tượng kết nối hết sức rộng mở và đa dạng như vậy nên số lượng người trong mạng lưới giao tiếp của một cá nhân có thể rất lớn lên tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người. Kết quả khảo sát thể hiện top 3 chiếm tỷ lệ cao nhất là trong các đối tượng kết nối của giới trẻ là: những người bạn cùng lớp cùng quê (90,2%); gia đình, họ hàng (81,3%); những người bạn trong các nhóm xã hội khác họ quen là (48,2%). Các số liệu cho thấy, mặc dù tạo ra một mạng lưới các mối quan hệ rộng mở với những liên kết đan xen như vậy song đa phần giới trẻ vẫn tỏ ra khá thận trọng trong việc kết bạn.

4. Địa điểm và phương tiện sử dụng mạng xã hội

Kết quả khảo sát thể hiện rõ tính đa dạng, linh hoạt và chủ động của thanh, thiếu niên trong việc sử dụng mạng xã hội. Họ có thể sử dụng mạng xã hội ở bất cứ đâu có kết nối internet, đặc biệt khi công nghệ wifi đang ngày càng trở nên phổ biến ở khắp nơi. Tỷ lệ sử dụng mạng xã hội cao thuộc về những không gian mà ở đó giới trẻ có quỹ thời gian rảnh rỗi khá nhiều như: tại nhà chiếm tỷ lệ cao nhất (95,8%), nơi làm việc và trường học (17,3%). Hai địa điểm có tỷ lệ truy cập mạng xã hội thấp nhất là quán net (9,5%) khi mục đích của phần lớn các bạn trẻ đến đây để chơi game online và thư viện (2,8%) bởi đây dường như là môi trường thích hợp cho các bạn trẻ có nhu cầu tập trung cho việc đọc và nghiên cứu thay vì sự giải trí.



Tần suất sử dụng mạng xã hội của thanh, thiếu niên đang có xu hướng ngày càng gia tăng, bởi họ có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi nhờ sở hữu các thiết bị công nghệ hiện đại. Theo kết quả khảo sát, giới trẻ đang có xu hướng truy cập mạng xã hội nhiều nhất thông qua điện thoại di động thông minh (85,3%). Ngoài ra, các số liệu thống kê gần đây của mạng xã hội Facebook cũng đã chứng minh sự bùng nổ của việc sử dụng thiết bị smartphone trong giới trẻ và chính Mark Zuckerberg – người sáng lập ra Facebook cũng từng nhận định rằng những người truy cập, kết nối mạng xã hội qua di động hoạt động tích cực hơn qua các thiết bị khác, điều đó đang biến mạng xã hội facebook trở thành nền tảng ưu tiên cho di động. Ngoài ra, thanh, thiếu niên còn truy cập mạng xã hội từ các thiết bị công nghệ khác như: máy tính xách tay (24%), máy tính để bàn (20,5%), hoặc máy tính bảng (6,8%). Phần lớn đối tượng được khảo sát đều cho biết nơi truy cập mạng xã hội phổ biến nhất của họ chính là trên bàn làm việc tại văn phòng, cơ quan và ngay cả ở trường học.

5. Thời gian sử dụng mạng xã hội

Thời gian sử dụng mạng xã hội có sự khác biệt nhất định trong thanh, thiếu niên do phụ thuộc vào nhiều yếu tố chi phối như: quỹ thời gian, không gian, thời điểm, điều kiện kinh tế, tính chất công việc, mục đích lên mạng… của mỗi cá nhân. Kết quả khảo sát về thời gian sử dụng mạng xã hội hàng ngày của thanh, thiếu niên thể hiện top 3 chiếm tỷ lệ cao nhất là: từ 1-3 tiếng (35,7%); từ 3-5 tiếng (25,7%); trên 5 tiếng chiếm (22,6%); trong khi sử dụng ít hơn 1 tiếng chiếm tỷ lệ thấp nhất (16,0%). Những số liệu cho thấy, dường như thanh, thiếu niên đang dành khá nhiều thời gian cho mạng xã hội. Thực tế này đã được nhiều chuyên gia cảnh báo, rằng việc sử dụng không hợp lý quỹ thời gian cho mạng xã hội chính là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng “nghiện” mạng xã hội đang ngày càng phổ biến trong một bộ phận giới trẻ.

Với một loạt các tiện ích của mạng xã hội cùnglượng thông tin khổng lồ mà nó có khả năng cung cấp cho người sử dụng, rất nhiều bạn trẻ có thể ngồi lướt mạng cả ngày chỉ để mua sắm online, đọc các status (dòng trạng thái), comment (bình luận), chat (tán gẫu) qua lại với bạn bè hay cả với những người không quen biết… và từ lúc nào họ rơi vào tình trạng “nghiện” mạng xã hội, làm lãng phí thời gian, sao nhãng nhiệm vụ học tập, công việc. Đáng báo động hơn là một bộ phận giới trẻ bị đắm chìm trong cộng đồng mạng nên thiếu thực tế, giảm sự tiếp xúc trực tiếp trong cuộc sống, ảnh hưởng đến các mối quan hệ đời thực.

6. Ngôn ngữ sử dụng trên mạng xã hội

Kết quả từ cuộc khảo sát cho thấy, bộ phận giới trẻ thường sử dụng hoàn toàn tiếng Việt để giao tiếp trên mạng xã hội chiếm tỷ lệ cao nhất (45,7%). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng tiếng Việt dùng để giao tiếp trên mạng xã hội của thanh, thiếu niên hiện nay không thuần nhất như vốn tiếng Việt truyền thống mà họ đã tự “sáng tạo” cho mình một kiểu/loại ngôn ngữ riêng không theo quy chuẩn của tiếng Việt, được gọi nôm na là ngôn ngữ teen (3). Trong nhiều trường hợp, tiếng Việt được các bạn trẻ thay đổi từ cách viết đến cấu trúc câu, hay cố tình viết chệch âm, sai lỗi chính tả… Đó là các dạng thức ngôn ngữ được tạo ra bằng cách thay đổi từng chi tiết của các chữ cái tiếng Việt, với việc kết hợp tiếng Việt với ngôn ngữ khác (tiếng Anh…) (38,8%), hay những cách viết sáng tạo, viết tắt, sử dụng tiếng lóng hoặc kết hợp nhiều loại ký hiệu khác nhau (29,7%). Tất cả những sự tự sáng tạo ấy có thể xem như một cách để thể hiện sự khác biệt của giới trẻ trên mạng xã hội. Ví dụ, hiện có thể dễ dàng bắt gặp một số xu hướng sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ để diễn đạt lời nói, cảm nghĩ, ý tưởng… của mình trên mạng xã hội như sau: diễn đạt theo xu hướng đơn giản hóa như: wá (quá), wen (quen), wên (quên), u (bạn, mày), ni (nay), gato (ghen ăn tức ở)… hay diễn đạt theo xu hướng phức tạp hóa ngôn ngữ: dzui (vui), thoai (thôi), nóa (nó), đóa (đó), dzìa (về), roài (rồi), khoai (khó)… hoặc cố tình viết chệch âm nhằm tạo sự vui vẻ, tinh nghịch trong lời nói như: hem (không), lun (luôn), bùn (buồn), bitk? (biết không?), xiền (tiền)… Một số khác thích sử dụng các từ tiếng Anh viết tắt để diễn đạt như: lol= laugh out loud (cười lớn), tks=thanks (cảm ơn), pm=private message (nói chuyện riêng)… Liên quan đến những hiện tượng ngôn ngữ trên, cơ quan tiếp thị truyền thông xã hội Úc đã từng bình luận rằng những người trẻ tuổi sử dụng các chữ viết tắt như là một chiến thuật để đẩy nhanh tốc độ trong giao tiếp văn bản, trong khi một số khác thì dùng chúng như một mật mã để những người lớn tuổi không thể hiểu (4).



Nhận định về các kiểu/loại ngôn ngữ riêng mà giới trẻ đã sáng tạo ra và sử dụng làm công cụ giao tiếp trên mạng xã hội hiện có không ít người phê phán cho rằng đó là thứ ngôn ngữ xa lạ với tiếng phổ thông, thậm chí là làm mất đi sự trong sáng, cái hay, cái đẹp của tiếng Việt, do vậy cần phải có giải pháp khắc phục tình trạng này. Tuy nhiên một số quan điểm lại nhìn nhận đó là nhu cầu phát triển ngôn ngữ tất yếu của giới trẻ trong xã hội hiện đại và ở góc độ nào đó thì hiện tượng này cũng có những mặt cần được thừa nhận. Mặc dù vậy, những động thái hướng tới việc giảm thiểu những mặt tiêu cực của loại ngôn ngữ mang phong cách ngôn ngữ teen này cũng vẫn cần được quan tâm.

Với sự phát triển mạnh mẽ trong gần chục năm trở lại đây ở Việt Nam, các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zingme, Go.vn… ngày càng thu hút đông đảo thành viên tham gia trong đó đại đa số là thanh, thiếu niên. Có thể nói, mạng xã hội ra đời là một trong những bước tiến của các phương tiện truyền thông mới, bởi thực sự nó đã mang đến nhiều tiện ích, đáp ứng nhu cầu, mục đích vô cùng đa dạng của mỗi cá nhân: từ công việc, học tập, kinh doanh và đặc biệt là khả năng mở rộng và thiết lập các mạng lưới giao tiếp một cách nhanh chóng mà không bị giới hạn về không gian và thời gian với chi phí rẻ nhất. Bên cạnh đó, mạng xã hội cũng trở thành một kênh giải trí hoàn hảo khi trở thành nơi lý tưởng để giới trẻ giải tỏa áp lực trước những vấn đề mà họ phải đối mặt trong cuộc sống hằng ngày. Trước hàng loạt tiện ích ấy, mạng xã hội dường như đang trở thành người bạn đồng hành không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật của thanh, thiếu niên. Mặc dù sự ảnh hưởng của mạng xã hội đến bộ phận này đang được nhìn nhận theo nhiều chiều hướng khác nhau, song dù thế nào cũng cần thừa nhận những bước tiến khả quan của các trang mạng xã hội ở Việt Nam với số lượng người sử dụng có thể tiếp tục gia tăng trong tương lai.

https://vhnt.org.vn/thuc-trang-su-dung-mang-xa-hoi-cua-thanh-thieu-nien-o-viet-nam-hien-nay/ 

Post a Comment

Mới hơn Cũ hơn