Bản án được tòa tuyên với các bị cáo vụ "chuyến bay giải cứu" cho thấy sự phân hóa rõ rệt hành vi phạm tội và rất khác với quan điểm đề nghị của viện kiểm sát. Kiến nghị điều tra giai đoạn 2 vụ án đã được đưa ra.
Tòa tuyên bốn án chung thân nhóm nhận hối lộ và chạy án, còn nhóm doanh nghiệp có 10 người được hưởng án treo.
Sau 12 ngày thẩm vấn và tranh luận, 6 ngày nghị án, chiều 28-7 TAND TP Hà Nội đã đưa ra phán quyết đối với 54 bị cáo, sớm hơn so với quỹ thời gian 30 ngày dự kiến.
Hội đồng xét xử đưa ra nhiều căn cứ bác bỏ quan điểm bào chữa cho rằng các cựu quan chức trong vụ án "nhận quà cảm ơn chứ không phải nhận hối lộ" và bác lời kêu oan của cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng. Bản án cũng gây bất ngờ khi tuyên bốn án chung thân và một số cựu quan chức phải lãnh mức án nặng hơn nhiều so với mức mà viện kiểm sát đề nghị trước đó. Riêng Phạm Trung Kiên được tuyên mức án nhẹ hơn mức đề nghị.
Bốn bị cáo lãnh án chung thân gồm Phạm Trung Kiên - cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế (viện kiểm sát đề nghị tử hình), Hoàng Văn Hưng - cựu trưởng phòng thuộc Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an (viện kiểm sát đề nghị 19 - 20 năm tù), Nguyễn Thị Hương Lan - cựu cục trưởng Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao (viện kiểm sát đề nghị 18 - 19 năm tù) và Vũ Anh Tuấn - cựu phó trưởng Phòng tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an (viện kiểm sát đề nghị 19 - 20 năm tù).
Nhận hối lộ số tiền lớn, rất lớn, đặc biệt lớn
Theo bản án, trong quá trình tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam mắc kẹt ở nước ngoài do dịch COVID-19 về nước, từ tháng 9-2020 đến tháng 12-2022, 25 bị cáo là cựu quan chức, cán bộ ở nhiều bộ ngành đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, nhận hối lộ số tiền hơn 164 tỉ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại số tiền hơn 10 tỉ đồng.
Trong vụ án, có 23 cá nhân là đại diện doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỉ đồng, có 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỉ đồng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền hơn 24 tỉ đồng.
Trong số này, Phạm Trung Kiên bị cáo buộc nhận hối lộ nhiều nhất với 253 lần với tổng số tiền hơn 42,6 tỉ đồng, Vũ Anh Tuấn đã nhận hối lộ 49 lần với số tiền hơn 27 tỉ đồng, Nguyễn Thị Hương Lan nhận hối lộ 32 lần với số tiền hơn 25 tỉ đồng.
"Các bị cáo là các cán bộ công chức của cơ quan nhà nước đã nhận số tiền lớn, rất lớn, đặc biệt lớn để thực hiện theo yêu cầu của các doanh nghiệp, chiếm dụng sử dụng mục đích cá nhân... Việc đưa - nhận tiền diễn ra nhiều lần, thường xuyên, liên tục, có lần lên đến hàng tỉ đồng, hàng trăm ngàn USD", bản án nêu.
Nhũng nhiễu doanh nghiệp tạo cơ chế xin - cho
Trong số các cựu quan chức nhận hối lộ, bản án cáo buộc Phạm Trung Kiên và Vũ Anh Tuấn có hành vi đòi hỏi, sách nhiễu, đưa ra giá "chung chi" và yêu cầu doanh nghiệp phải đưa tiền thì mới cấp phép. Các bị cáo khác dù không yêu cầu nhưng đều gặp gỡ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, trước hoặc sau khi tổ chức xong chuyến bay được các doanh nghiệp chi tiền cảm ơn.
"Số tiền cảm ơn tương ứng với lợi nhuận của doanh nghiệp và số lượng hành khách rất lớn, lên tới hàng tỉ đồng, vượt quá mức thu nhập bình quân của một cán bộ công chức. Sau khi nhận tiền, các bị cáo không báo cáo cơ quan, tổ chức mà chiếm hưởng" - hội đồng xét xử đưa ra phân tích và bác bỏ quan điểm bào chữa, khẳng định hành vi của các cựu quan chức chính xác là nhận hối lộ.
Từ những phân tích trên, hội đồng xét xử đánh giá đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra tại nhiều bộ ngành. Nhóm bị cáo nhận hối lộ đều là người có chức vụ, quyền hạn nhưng đã lợi dụng dịch bệnh, vị trí công tác để nhũng nhiễu, tạo cơ chế xin - cho buộc doanh nghiệp phải đưa hối lộ. Vụ án "chuyến bay giải cứu" có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của các bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, gây bất bình và tạo dư luận xấu trong nhân dân.
Theo bản án, thủ đoạn nhận hối lộ của các bị cáo tồn tại ở hai dạng, gồm mặc cả, buộc doanh nghiệp chi tiền hoặc gây khó khăn bằng cách mập mờ, làm không hết trách nhiệm buộc doanh nghiệp chi tiền theo "luật bất thành văn". Thậm chí nhiều cựu quan chức phạm tội theo hình thức thông đồng, hứa hẹn chia sẻ lợi ích.
Riêng trường hợp cựu thư ký Phạm Trung Kiên, hội đồng xét xử nhận thấy mức hình phạt tử hình VKS đề nghị là phù hợp với hành vi phạm tội. Tuy nhiên tại tòa, Kiên thể hiện thái độ ăn năn hối cải. Tổng số tiền bị cáo đã trả lại và cùng gia đình khắc phục là hơn 42,2 tỉ đồng.
Trên cơ sở chính sách nhân đạo của pháp luật, hội đồng xét xử thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt loại bỏ vĩnh viễn bị cáo Phạm Trung Kiên khỏi đời sống xã hội, mà mức án khác cũng đủ sức răn đe.
Tòa khẳng định Hoàng Văn Hưng không bị oan
Theo bản án, trong quá trình xét xử, hầu hết các bị cáo đều thừa nhận tội danh bị truy tố, duy nhất cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng vẫn một mực phản bác lại mọi cáo buộc từ cơ quan công tố.
Tài liệu hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại tòa xác định đến tháng 9-2021 Hưng bị điều chuyển công tác, không còn tham gia điều tra vụ án nhưng vẫn nói dối về việc "chạy án", thông qua cựu phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn để chiếm đoạt tiền của Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng (tổng giám đốc và phó tổng giám đốc Công ty Blue Sky).
Theo hội đồng xét xử, tại tòa, Hoàng Văn Hưng không thừa nhận đã nhận khoản tiền nào từ Nguyễn Anh Tuấn và không hướng dẫn Hằng khai báo. Tuy nhiên, Hưng xác nhận đã gặp riêng Nguyễn Thị Thanh Hằng tại nhà riêng của Tuấn và có nhận cặp số do ông Tuấn gửi đến nhưng khai bên trong không có tiền mà là bốn chai rượu vang.
Hội đồng xét xử nhận định Hoàng Văn Hưng là trưởng phòng điều tra, biết rõ quy định không được tiếp xúc với người đang bị điều tra ngoài trụ sở. Tuy nhiên, Hưng vẫn tiếp xúc với Hằng tại nhà Nguyễn Anh Tuấn. Tại các cuộc gặp này, Hưng hướng dẫn Hằng và thông qua Hằng để hướng dẫn Sơn. Việc hướng dẫn khai này nhằm mục đích Hằng nhận hết tội để "quyết tâm cứu Sơn".
Quá trình điều tra, Hằng và Sơn khai có 13 lần đưa cho ông Tuấn số tiền 2,8 triệu USD để đưa cho Hưng nhờ "chạy án". Ông Tuấn khai nhận 2,65 triệu USD từ Hằng, trong đó có 400.000 USD là tiền Hằng trả cho việc sang nhượng mảnh đất ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Tại tòa, Hưng phản bác các lời khai này, cho rằng đây là những lời khai một chiều, không khách quan.
Tuy nhiên, hội đồng xét xử thấy quá trình điều tra, cơ quan điều tra và viện kiểm sát đã thu thập chứng cứ khách quan. Ngoài lời khai của Hằng và Tuấn, cơ quan tố tụng còn thu thập lời khai của nhiều người khác và dữ liệu điện tử để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo.
Tòa cũng căn cứ nội dung ghi chép của Hằng về việc đã có 13 lần chuẩn bị tiền và thông qua ông Tuấn đưa cho Hoàng Văn Hưng. Dữ liệu lịch sử cuộc gọi giữa Hưng và ông Tuấn, căn cứ việc ông Tuấn sắp xếp cho Hưng gặp Hằng để nói về việc chi tiền "chạy án" phù hợp với lời khai và các chứng cứ khác về việc Hưng yêu cầu phải chuẩn bị tiền chi cho các cơ quan tố tụng để "quyết tâm cứu Sơn".
Theo hội đồng xét xử, dữ liệu điện tử và hình ảnh trích xuất từ camera còn thể hiện ngày 5-12-2022, tại cổng trụ sở Cơ quan an ninh điều tra, Hoàng Văn Hưng đã nhận chiếc cặp số do ông Tuấn gửi đến bên trong chứa 450.000 USD.
Cùng với đó, kết quả thực nghiệm điều tra và các lời khai thể hiện, sau thời điểm nhận vali tiền trên, Hoàng Văn Hưng tiếp tục gặp Hằng và Tuấn tại nhà của cựu phó giám đốc Công an Hà Nội.
Hội đồng xét xử đánh giá những lời khai của Hoàng Văn Hưng có nhiều mâu thuẫn, không thống nhất, thể hiện sự không thành khẩn. Do đó, bản án sơ thẩm kết luận Hoàng Văn Hưng đã lừa đảo chiếm đoạt 800.000 USD và khẳng định "Hoàng Văn Hưng không bị oan".
Theo bản án, Hưng phạm tội rất nghiêm trọng khi lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội, phạm tội hai lần trở lên. Bị cáo còn lợi dụng vị trí công tác để lừa cho bị hại tin tưởng giao tiền. Do đó cần phải đưa ra mức án cao hơn mức đề nghị của viện kiểm sát mới đủ sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm - bản án nêu.
Kiến nghị điều tra giai đoạn 2 vụ án
Cùng với việc đưa ra phán quyết với 54 bị cáo, hội đồng xét xử cũng kiến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra ở giai đoạn 2 của vụ án "chuyến bay giải cứu" các vấn đề được nêu tại kết luận điều tra và cáo trạng.
Đối với số tiền bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng và Lê Hồng Sơn đưa cho Hoàng Văn Hưng với mục đích hối lộ, bị tòa cáo buộc là "thực hiện giao dịch trái pháp luật". Do đó, hội đồng xét xử yêu cầu phải truy thu số tiền hơn 18 tỉ mà cựu điều tra viên chiếm đoạt để sung công quỹ nhà nước.
Toàn bộ số tiền 1,85 triệu USD cựu phó giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn nộp lại cũng sung công quỹ nhà nước.
Đối với quyền lợi của khách hàng đã mua vé máy bay của các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay combo và chuyến bay giải cứu, theo bản án, hồ sơ không có thông tin, tài liệu về những người đã mua vé.
Cùng với đó, đến nay cũng không có thông tin về chi phí của các khách hàng đã mua vé. Trong đó, chi phí đưa công dân về nước bao gồm vé máy bay, chi phí cách ly y tế và các chi phí hợp lý khác của doanh nghiệp, chi phí cho các đại lý bán vé và các khâu trung gian khác. Do đó, tòa cho rằng không có cơ sở xem xét giải quyết nội dung này.
Hội đồng xét xử dành cho các công dân đã mua vé quyền yêu cầu các doanh nghiệp giải quyết quyền lợi của mình theo quy định pháp luật.
Thấy gì qua phiên tòa "chuyến bay giải cứu"
1. Điểm nổi bật và dễ thấy nhất là hàng loạt quan chức có quyền lực, có vai vế trong hệ thống chính quyền phải ra tòa. Các bị cáo phạm tội khi dịch bệnh diễn ra khốc liệt trên diện rộng, cả nước đang rơi vào tình trạng đau thương, lo âu, căng thẳng. Những người này lợi dụng tình huống đặc biệt để thu lợi bất chính dưới những hình thức khác nhau.
Hành vi của họ vừa gây thiệt hại cho xã hội, vừa làm tổn thương ý nghĩa tốt đẹp của một chủ trương đúng đắn và nhân đạo. Đây không phải tham nhũng đơn thuần, mà là cái gì đấy không đủ lời diễn tả. Bức xúc đến mức khó chấp nhận.
2. Vấn đề kế tiếp là có khá nhiều cán bộ ở Bộ Ngoại giao và cán bộ có liên quan công tác quốc tế ở các bộ khác bị kết tội nhận hối lộ. Có bị cáo nhận hối lộ tới hàng chục, thậm chí hàng trăm lần với tổng số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng. Rõ ràng họ dạn dĩ lắm, quen tay lắm mới liều lĩnh vượt ngưỡng sức tưởng tượng.
Người dân vẫn đồn đãi và ta thán một số cán bộ Bộ Ngoại giao, nhất là cơ quan lãnh sự, hay vòi vĩnh công dân. Dù các bị cáo là cán bộ ở Bộ Ngoại giao nói "những lời có cánh", trình bày nhân nghĩa, nhân tình thì lời khai và hành vi của họ đủ để chứng minh người dân chẳng hề đặt điều. Lại câu nói cũ: "Dân biết cả đấy", lấp liếm sao nổi những khuất tất.
3. "Chạy án" từng có ở nơi này nơi nọ, nhưng chỉ ở các vụ án bình thường, vụn vặt, chưa bao giờ xuất hiện trong một đại án có tầm cỡ, mang tính chất cực kỳ nghiêm trọng như vụ "chuyến bay giải cứu".
Mặc kệ việc Hoàng Văn Hưng chỉ bị buộc tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", người dân vẫn gọi nôm na là "chạy án", bởi Hưng là điều tra viên chính trong giai đoạn đầu của vụ án. Thấy Hưng có "giá trị đồng cân", nên khi đó thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn - phó giám đốc Công an Hà Nội - mới tìm đến nhờ cậy.
Ông ta nói thẳng với tòa: "Nếu biết sau này Hưng đã chuyển sang công tác khác, không đời nào đưa tiền cho Hưng". Kết cục là ông Tuấn bị Hưng dùng cái bóng cũ lừa cho một vố "tiền mất, tật mang". Kể ra, Hưng và ông Tuấn quả là những người đầy hoang tưởng, chức vụ tới cỡ đó còn mơ hồ về quyền lực của đồng tiền.
4. Trước tòa, không ít bị cáo là quan chức có nhân cách rất đáng buồn. Tâm điểm là Hoàng Văn Hưng. Cho dẫu cơ quan chức năng không có chứng cứ trực tiếp việc ông nhận hàng trăm ngàn USD từ ông Tuấn, nhưng cũng chẳng ai tin là ông bị vu oan giá họa.
Tệ hại hơn, ông Hưng còn lừa ngay cả đồng nghiệp Nguyễn Anh Tuấn, rồi tỉnh bơ "phản thùng". Ông Tuấn có lý khi nhận xét "anh Hưng trơ tráo quá", khuyên Hưng cần có nhân cách con người dù là "nhân cách thằng tù".
Nhiều bị cáo khác tuy có nhận tội nhưng lại lập lờ, đánh tráo khái niệm, cho rằng mình phạm tội là do hoàn cảnh đưa đẩy, do các doanh nghiệp tự nguyện biếu xén, hoặc do nhận thức kém, thiếu am hiểu pháp luật, cầm tiền của doanh nghiệp như "quà cảm ơn".
Họ là người học hành tử tế, có bằng cấp cao, có địa vị và từng trải, đủ năng lực để phân biệt thế nào là "cảm ơn" thì chắc chắn không lạ lẫm với bản chất và cách thức đưa - nhận hối lộ. Giá như họ thừa nhận bản thân thoái hóa, sa ngã, thiếu tu thân, bị đồng tiền cám dỗ có lẽ dễ nghe hơn, chân thành hối lỗi hơn thay vì đổ vấy lung tung rồi kể công kể cán, khóc lóc xin giảm tội.
5. Án phạt cho các bị cáo đưa hối lộ là cần thiết. Nhưng phải thấy nỗi khổ của doanh nghiệp. Họ chả thích thú với chuyện đút lót hao tốn và nguy hiểm rình rập. Tình thế bắt buộc phải làm. Không làm là bị gây khó dễ, bị o ép, đòi hỏi.
Họ là tội phạm và cũng là nạn nhân của "văn hóa phong bì" - một thói quen xấu đang rất phổ biến. Vấn nạn này chẳng phải chỉ có trong vụ án "chuyến bay giải cứu", không ít doanh nghiệp đang bị vây hãm bởi những "chúa tể" có thể xóa tan cơ hội kinh doanh, biến họ thành kẻ thất bại cay đắng.
Cứ để cho những tệ hại ấy tồn tại mãi thì chúng ta còn vất vả rất nhiều để làm trong sạch môi trường kinh doanh, đưa đất nước phát triển.
Đăng nhận xét