Xây dựng một tương lai chung cho mọi sự sống. Đây là thông điệp được nhấn mạnh trong Ngày Quốc tế về đa dạng sinh học năm nay. Đây cũng là một trong những mục tiêu chung mà thế giới đang đặt ra đến năm 2050 để con người sống hài hòa hơn với thiên nhiên, bảo vệ trái đất và đa dạng sinh học.
Đối với nước ta, thời gian qua, mặc dù có nhiều nỗ lực, song vẫn còn không ít các vụ vi phạm về nuôi nhốt, buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã diễn ra ở nhiều địa phương. Nhiều loài hoang dã, quý hiếm bị bắt, bẫy và biến mất vĩnh viễn trong các cánh rừng.
Hai cá thể gấu ngựa chỉ vừa mới chào đời nhưng chúng đã bị bắt rời khỏi mẹ và đến nơi chúng không thuộc về. Ngày 13/5 vừa qua, Lực lượng kiểm lâm tỉnh Lai Châu và các chuyên gia bảo tồn đã kịp thời cứu hộ và đưa về chăm sóc tại cơ sở Bảo tồn Gấu Ninh Bình.
Các chuyên gia bảo tồn chăm sóc 2 cá thể gấu tại cơ sở Bảo tồn Gấu Ninh Bình.
Đã có rất nhiều cá thể gấu bị bắt, bẫy, nuôi nhốt để lấy mật, khi được giải cứu đều trong tình trạng căng thẳng, bị bệnh tật và không thể trở về với tự nhiên. Gần 50 cá thể gấu sẽ cần sự chăm sóc suốt đời.
Theo những người chủ, gấu được nuôi và trích lấy mật 6 tháng 1 lần. Giá bán 1cc mật gấu là khoảng 30.000 đồng.
Không chỉ bị trích, hút để kinh doanh mật tươi, chủ cơ sở còn kinh doanh cả mật gấu khô. Và để có một túi mật gấu khô, đồng nghĩa 1 cá thể gấu bị chết.
Theo thống kế của Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV), hiện vẫn còn khoảng 300 cá thể gấu bị nuôi nhốt ở Việt Nam, riêng Hà Nội vẫn còn 200 cá thể, là điểm nóng về nuôi nhốt gấu.
Tại Vườn Quốc gia Pù Mát, từ năm 2018 đến nay, đã có gần 14.000 chiếc bẫy thú các loại được gỡ bỏ. Và nhiều loài động vật hoang dã khác cũng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng bởi những chiếc bẫy thú như vậy.
Rất nhiều loài thú hiếm thấy trên thế giới đã được phát hiện ở khu vực Trung Trường Sơn, Việt Nam. Việc phải đối mặt với diện tích rừng bị thu hẹp và những nguy hiểm do con người tạo ra đã ảnh hưởng rất lớn đến sự sống của các loài.
Nhờ hoạt động đi tuần tra của đội anti-poaching của Trung tâm Save Vietnam Wildlife cùng lực lượng Vườn Quốc gia Pù Mát, từ năm 2018 đến nay, hơn 900 lán trại lập bất hợp pháp trong rừng đã được phá hủy, gần 14.000 chiếc bẫy thú các loại được gỡ bỏ, 104 khẩu súng bị tịch thu. Những con số không chỉ nói lên nỗ lực mà cũng đồng nghĩa với những thách thức vô cùng lớn trong công tác bảo tồn động vật hoang dã tại đây.
Nằm trong số 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất trên toàn cầu, đặc biệt đa dạng về loài, việc xây dựng "nền móng" cho tương lai xanh của sự sống của Việt Nam càng trở nên cấp thiết, nhất là trong bối cảnh số lượng các loài nguy cấp, các loài bị đe dọa đang ngày tăng lên. Nhằm thực hiện các giải pháp về bảo tồn đa dạng sinh học, hiện nay, các cơ quan chức năng và cộng đồng nhiều địa phương đang triển khai nhiều hành động cụ thể.
Những bước chân kiểm lâm đánh dấu sự an toàn của những cánh rừng nguyên sinh. Những cái bẫy sẽ được tháo ra, những con thú vô tình mắc bẫy sẽ được trở lại với ngôi nhà thiên nhiên của nó. Tuần tra, giám sát những biến động của rừng và đảm bảo an toàn cho các loài là nhiệm vụ quan trọng của các kiểm lâm viên Vườn Quốc gia Bạch Mã, Thừa Thiên-Huế.
Vườn Quốc gia Bạch Mã, nơi đang sở hữu hơn 1.700 loài động vật và hơn 2.400 loài thực vật là một trong số ít nơi trong cả nước còn lưu giữ nguyên vẹn nhiều thảm thực vật và những cánh rừng nguyên sinh có giá trị đa dạng sinh học cao. Đặc biệt hiện có 363 loài, chiếm khoảng 1/3 số loài chim ở Việt Nam.
Nếu chúng ta không thay đổi nhận thức và cùng hành động, những không gian xanh, những tiếng chim hót, vượn kêu sẽ chỉ còn là những thước phim tư liệu. Việt Nam đã xây dựng và đang tích cực thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học, đặc biệt đối với hoạt động bảo tồn loài. Bên cạnh vai trò của cơ quan chức năng, các tổ chức, cộng đồng người dân vẫn là yếu tố quan trọng nhất để bảo tồn đa dạng sinh học vì cuộc sống của chính chúng ta và các thế hệ tương lai.
https://vtv.vn/xa-hoi/bao-ton-dong-vat-quy-hiem-20220526180625299.htm
Đăng nhận xét